Tuổi thơ với một cuộc sống vô cùng đói khổ và khắc nghiệt
Bà ngoại của ông là một người hầu gái có tám người con, trong đó có những người con ngoài giá thú.
Mẹ của ông là một trong những đứa con ngoài giá thú đó. Còn bố của ông là người mà được mô tả là một kẻ dốt nát và bần hàn nhất bang Kentucky.
Tuổi thơ của ông gắn liền với một cái lán chỉ có ba mặt – không sàn, không cửa sổ, còn mái nhà được lợp bằng mấy thân cây có cành lá. Một “ngôi nhà” mà người ta nhận định rằng: ngày nay một người nông dân ở Indinia cũng không dùng để nhốt trâu, bò hay lợn của mình.
Ông cùng với em gái, bố mẹ mình đã sống trong cái lán đó nhiều năm và trải qua cả những mùa đông khắc nghiệt nhất của nước Mỹ.
Không chỉ có vậy, họ còn không có cả những thức ăn thiết yếu cho một người bình thường, như: rau củ, khoai tây, trứng…Họ sống bằng thịt thú săn, quả hạch…những thứ phụ thuộc vào việc săn bắt, hái lượm được.
Trong cảnh đói khổ còn tồi tệ hơn cả cảnh đói khổ của những người nô lệ đó, mẹ ông đã chết. Khi đó ông khoảng 9 tuổi và ông phải đi làm thuê với đủ thứ công việc như: cày ruộng, đắp rơm, dựng hàng rào, mổ lợn.
Để có được một chiếc quần dài mặc qua mùa đông lạnh giá, ông phải nhận bổ một ngàn thanh gỗ làm hàng rào và đi ba dặm1 mỗi ngày để làm việc này.
Tự tạo ra tài sản vô giá cho mình
Khi 15 tuổi, chỉ bằng cách tự học, ông đã thuộc hết mặt chữ và có thể đọc dù không nhiều và chưa biết viết. Nhưng vì ham học, hàng ngày ông đã băng qua bốn dặm đường rừng, từ lúc sáng sớm và về lúc sẩm tối để tới lớp học.
Vì quá nghèo không mua nổi một cuốn sách số học, nên ông phải mượn một cuốn rồi chép nó ra một tập giấy có khổ ngang với khổ tiêu đề. Rồi ông khâu chúng lại với nhau bằng một dây bện.
Với ông, việc biết chữ đã mở ra cho ông một thế giới mới diệu kỳ, một chân trời nhận thức và nó mang lại cho ông một tầm nhìn mới.
Đó là lí do tại sao đọc sách là niềm đam mê bất tận của ông.
Ông sẵn sàng đi bộ rất xa chỉ để được mượn sách báo…bất cứ thứ gì được in ấn. Có lần ông đi bộ cả sáu dặm chỉ để mượn một cuốn sách về ngữ pháp. Vì thầy giáo của ông nói nếu muốn đi vào con đường chính trị và luật pháp thì ông phải giỏi ngữ pháp.
Ngày nào ông cũng say mê đọc sách. Đọc cho đến khi không còn có thể đọc được nữa. Khi ông đi ngủ, ông kẹp nó vào một cái khe giữa các khúc gỗ để ông có thể đọc tiếp ngay khi những tia nắng đầu tiên rọi vào căn lán.
Các sách ông đọc, như:
- Kinh thánh;
- Truyện ngụ ngôn của Aesop;
- Robinson Crusoe;
- Thuỷ thủ Sinbad;
- Bộ Luật chỉnh sửa của bang Indinia;
- Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp của nước Mỹ;
- Cuộc đời của Washington (tác giả: Parson Weems);
- Những bài học của Scott;
- Những bình luận của Blackstone về Luật;
- Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã của Gibbon;
- Lịch sử cổ đại của Rolling;
- Tiểu sử về các yếu nhân của quân đội Mỹ;
- Cuộc đời của Jefferson, Caly và Webster;
- Thời đại của Luận lý của Tom Paine;
- Sách về lượng giác, lô-ga-rít;
- Túp lều của Bác Tôm;
- Các tác phẩm của Burns, Shakespeare…
Khi đọc một đoạn văn có sức lôi cuốn đặc biệt đối với ông, ông sẽ ghi chép vào một cuốn sổ toàn bộ những diễn từ mà ông yêu thích.
Không những thế, ông thường viết lại ý nghĩa của những gì mà ông đọc được. Sau đó, ông sửa lại bằng cách thay đổi cách dùng từ sao cho trẻ con cũng có thể hiểu những gì ông viết ra.
Cùng với đó, ông thường kể lại những câu chuyện mà ông đọc được cho hàng xóm và bạn bè nghe. Ông nổi tiếng là một người kể chuyện hài hước, khiến ai cũng thích thú khi được nghe ông kể chuyện.
Cho đến một ngày, ông phát hiện ra mình có khả năng gây ảnh hưởng đến người khác bằng những lời diễn thuyết. Phát hiện này đã giúp ông thêm phần dũng cảm và tự tin hơn bất cứ những gì mà ông đã trải qua trước đó.
Tổng thời gian ông được đi học là không quá 12 tháng. Nhưng tài sản mà ông có được đó là: tình yêu dành cho tri thức và khao khát được học hỏi.
Là một người khiêm nhường, năm 1847, khi tới Quốc hội. Tại phần câu hỏi trong sơ yếu lý lịch về “Học vấn của Ông/Bà?”, ông đã trả lời chỉ bằng hai từ: “Khiếm khuyết”.
Khởi nghiệp bằng những thất bại
Tình yêu đầu tiên của ông là với một cô gái vô cùng quyến rũ và xinh đẹp, tên là Ann Rutledge – con gái của một chủ quán rượu. Ông yêu cô đến mức ông đã lên kế hoạch học một chương trình luật với mong muốn là luật sư và trở thành người chồng mà cô sẽ vô cùng tự hào.
Để có tiền thực hiện kế hoạch của mình, ông cùng với một người bạn mở một cửa hàng tạp hoá. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau cửa hàng tạp hoá phá sản và ông phải gánh một món nợ 1100 đô la.
Để có tiền sinh sống và trả nợ, ông phải chuyển sang làm mọi công việc tay chân, như: cắt cỏ, xây hàng rào, bỏ ngô, làm thợ mộc, làm thợ rèn, thợ cày…
Món nợ 1100 đô la đó, sau này, đã khiến ông phải nhịn ăn, nhịn mặc suốt 14 năm để trả dần.
Khó khăn dường như mới chỉ bắt đầu, khi thời gian được sống trong hạnh phúc với người mình yêu chưa được bao lâu, thì cô đã bị chết vì bệnh thương hàn.
Ông đau buồn đến mức ngày qua ngày, đi bộ năm dặm đến Nghĩa trang Concord – nơi người yêu được chôn cất, chỉ để ngồi cạnh mộ của cô. Và đó là quãng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời của ông.
Thất bại nối tiếp thất bại
Năm 1832, ông tham gia tranh cử vào vị trí đại diện tiểu bang Illinois nhưng thất bại.
Từ năm 1837 (2 năm sau cái chết của người yêu ông) đến năm 1842, ông làm việc tại một văn phòng luật sư.
Nhưng cái văn phòng đó chẳng có gì ngoài một cái giường nhỏ, hai cái ghế và một cái na ná như kệ sách. Văn phòng ấy có năm khoản thu: một khoản 2,5 đô la; hai khoản khác, mỗi khoản 5 đô la; một khoản 10 đô la và khoản thứ năm là một chiếc áo khoác.
Tất cả làm ông chán nản tới mức phải thốt lên rằng: ông muốn bỏ ngành luật để đi làm thợ mộc.
Ngày 4/11/1842, ông cưới vợ là bà Mary Todd. Ông đã có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc vì bà luôn đay nghiến, dày vò ông đến nỗi ông không muốn về nhà. Bà luôn không hài lòng với ông về mọi thứ.
Có một lần ông đã viết thư cho một người bạn rằng: “…ở đây chẳng có gì mới mẻ, ngoại trừ cuộc hôn nhân của tôi mà đối với tôi nó là một điều vô cùng khó hiểu.”.
Dường như bấy nhiêu vẫn là chưa đủ cho sự bất hạnh của ông. Ông có 4 người con trai nhưng ông đã bị mất đi 3 người trong số họ.
Từ năm 1850 đến 1862 ông đã mất đi 2 trong số 4 người con trai của mình: Một người mất khi 4 tuổi do mắc một căn bệnh không rõ nguyên nhân; người thứ hai mất khi 11 tuổi do bị cảm lạnh.
Riêng người con trai thứ ba thì mất lúc 18 tuổi (10 năm sau khi ông mất).
Năm 1854 và 1858: ông tham gia tranh cử lần lượt vào các vị trí Thống đốc và Thượng nghị sỹ tiểu bang Illinois nhưng đều thất bại.
Ông đã từng thú nhận: “cuộc chạy đua theo đuổi tham vọng chỉ toàn là những thất bại, những thất bại thảm hại.”.
Herndon – đồng nghiệp luật sư của ông kể rằng: “Nếu ông có được một ngày nào đó vui vẻ trong suốt hai mươi năm, thì tôi chưa bao giờ biết về nó cả…Mỗi bước ông đi đều toát ra sự u sầu.”
Trở thành tổng thống với những đêm không ngủ
Năm 1860, ông trúng cử trở thành Tổng thống Hoa Kỳ và chính thức nhậm chức vào ngày 4 tháng 3 năm 1861.
Sau khi được đề cử vào chức Tổng thống, ông nói: “Khi đến tuổi, tôi chẳng biết gì nhiều. Dù vậy, chẳng hiểu sao tôi lại có thể đọc, có thể viết, có thể làm toán theo quy tắc tam suất. Nhưng tất cả chỉ có vậy. Tôi đã không tới trường kể từ ngày đó. Những tiến bộ nhỏ nhoi mà tôi có được trong việc trau dồi kiến thức là do tôi cóp nhặt lúc này lúc khác khi phải sống dưới áp lực của sự nghèo túng.”.
Bước chân vào Nhà Trắng trong chưa đầy 24 giờ đồng hồ, ông đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Hàng ngàn người gầy gò, tiều tụy, người ăn xin, goá phụ…đổ về Nhà Trắng bao vây tứ phía để xin việc. Khi không được đáp ứng, họ lăng mạ ông.
Còn nước Mỹ lúc bấy giờ đang ở trong tình trạng của sự chia rẽ giữa hai miền Nam, Bắc. Trong khi miền Bắc phản đối chế độ nô lệ thì miền Nam lại quyết tâm bảo vệ quyền lợi và sự tồn tại của chế độ nô lệ.
Sự khác nhau này dẫn đến việc các tiểu bang miền Nam muốn thành lập Liên minh miền Nam của riêng họ. Vì vậy đã dẫn Hoa Kỳ tới một cuộc nội chiến giữa hai miền kéo dài suốt từ năm 1861 đến 1865.
Trong suốt thời gian cuộc nội chiến diễn ra, ông phải đối mặt với một lực lượng quân đội thiếu đi những người chủ tướng giỏi – những người có thể giúp ông chỉ huy quân đội.
Sự mong mỏi mang lại chiến thắng cho người dân, cho sự bảo vệ Liên Bang đến mức ông còn chấp nhận cả sự xúc phạm từ cấp dưới của mình là McClellan – người chỉ huy quân đội. Và ông từng nói: “…tôi sẵn sàng cầm mũ cho McClellan nếu như anh ta mang chiến thắng đến cho mọi người.”.
Nhiều ngày, nhiều tháng và nhiều năm, ông chỉ nhận được những tin bại trận và yêu cầu tiếp viện thêm binh lính.
Những trận chiến kéo dài mà cho tới tận năm 1863, Thư ký của ông đã ghi lại rằng, ông ta đã chứng kiến những đêm không ngủ của ông với tiếng kêu than: “Thua! Thua! Chỉ toàn thua!”.
Có lần, ông từng nói với một người bạn là nghị viên của Cơ quan Lập pháp Bang rằng:
“Mặc dù với mọi người đôi khi trông tôi có vẻ như đang say mê hưởng thụ cuộc sống, nhưng mỗi khi ở một mình tôi buồn tới mức tôi không dám mang theo dao trong túi.”.
Liên tiếp chịu đựng những nỗi đau và sức ép từ cấp dưới
Năm 1862, khi cuộc nội chiến vẫn đang diễn ra thì cũng chính là lúc đứa con trai thứ hai của ông chết do bị cảm lạnh. Còn nội các của ông thì tranh cãi, đố kỵ nhau. Họ đều coi mình quan trọng hơn ông.
Không những thế, họ không ngừng chỉ trích rằng ông lấy chiến tranh làm trò đùa và rằng ông đang đưa đất nước đến bờ vực của sự lụi tàn…Thậm chí họ còn muốn thay thế ông.
Đó là khi Salmon P.Chase – Bộ trưởng Tài chính của ông. Vì nghĩ rằng mình xứng đáng làm Tổng thống hơn ông nên đã nhiều lần xúc phạm ông.
Nhưng khi mọi người hỏi ông đánh giá như thế nào về Chase thì ông nói rằng: “Trong tất cả những con người vĩ đại mà tôi từng biết đến, Chase giỏi bằng một lần rưỡi con người vĩ đại”.
Và ông đã trao cho Chase một trong những chức vị cao nhất mà Tổng thống Hoa Kỳ có thể trao tặng: chức Chánh án Toà án tối cao Hoa Kỳ.
Rồi William H. Seward – người từng là đối thủ cạnh tranh của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1860, đã coi thường ông đến mức yêu cầu ông từ chức bởi cho rằng mình tài giỏi và xứng đáng hơn ông.
Nhưng ông đã bổ nhiệm Seward làm Ngoại trưởng. Vì ông đánh giá Seward là một nhà chính trị dày dặn kinh nghiệm, có kiến thức sâu rộng về chính sách đối ngoại và là một nhà đàm phán tài ba.
Hay một người khác có tên là Stanton – người đã từng đối xử với ông mà như ông nói là: “Tôi chưa từng bị ai đối xử tàn nhẫn như Stanton từng đối xử với tôi.”.
Tuy nhiên, ông đã gạt qua niềm kiêu hãnh và tự trọng của mình để bổ nhiệm Stanton làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh.
Nhưng ngay cả khi được đối xử như vậy, Stanton vẫn không tôn trọng và tuân theo các mệnh lệnh của ông. Ông ta thậm chí còn nói ông là “một thằng ngu”.
Và đây là cách mà ông đáp lại Stanton:
“Nếu Stanton gọi tôi là một thằng ngu, có lẽ là đúng như vậy, bởi ông ấy hầu như lúc nào cũng đúng” và rằng: “Ông ấy nắm giữ một vị trí khó khăn nhất thế giới. Hàng nghìn người trong quân đội đổ lỗi cho ông ấy vì không được thăng chức, hàng nghìn người khác đổ lỗi cho ông ấy vì không được bổ nhiệm. Áp lực đè lên ông ấy triền miên và không thể đong đếm…
Tôi không thể hiểu bằng cách nào mà ông vẫn còn sống sót, tại sao ông ấy vẫn chưa bị nghiền nát thành từng mảnh. Bởi nếu không có ông ấy, chính bản thân tôi cũng đã bị huỷ hoại rồi.”
Tiếp theo đó là những lời đả kích, yêu cầu ông phải ngay lập tức xoá bỏ chế độ nô lệ. Họ gây áp lực cho ông bằng bài báo với tựa đề: “Lời cầu nguyện của hai mươi triệu người” với những lời phê bình gay gắt dành cho ông về sự thiếu quyết đoán.
Và đây là câu trả lời của ông trước những lời đả kích:
“Mục tiêu hàng đầu của tôi trong cuộc đấu tranh này là để cứu Liên Bang, không phải là để cứu hay huỷ bỏ chế độ nô lệ.
Nếu tôi có thể cứu Liên Bang mà không giải phóng được nô lệ nào, tôi cũng sẽ làm. Nếu tôi có thể cứu Liên Bang bằng cách giải phóng nô lệ, tôi cũng sẽ làm. Nếu tôi có thể cứu Liên Bang bằng cách giải phóng một số nô lệ và bỏ qua một số nô lệ khác, tôi cũng sẽ làm.
Những gì tôi làm với chế độ nô lệ và những người da màu, tôi làm vì tôi tin rằng điều đó có thể giúp cứu được Liên Bang.
Còn về những gì tôi đang nhẫn nhịn, tôi nhẫn nhịn vì tôi không tin những việc đó có thể cứu được Liên Bang.
Tôi sẽ làm ít đi khi tôi thấy những điều tôi làm đang gây tổn hại đến mục tiêu. Tôi sẽ làm nhiều hơn khi tôi thấy điều tôi làm có thể giúp hoàn thành mục tiêu.
Tôi sẽ gắng sửa sai khi tôi thấy có lỗi sai, và tôi sẽ lập tức chấp thuận những quan điểm mới nếu như những quan điểm ấy đúng đắn.
Tôi đã tuyên bố rõ ở đây mục tiêu của tôi dựa trên quan điểm cá nhân về nghĩa vụ của tôi trước đất nước. Và tôi không có ý thay đổi mong muốn của cá nhân tôi rằng tất cả mọi người ở bất cứ nơi đâu đều được tự do”.
Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ông đã tuyên bố lời thề của ông là: “sẽ gìn giữ và bảo vệ” Liên bang. Bởi vậy, ông có lí do để trì hoãn việc giải phóng nô lệ.
Những gì ông đang làm là bởi ông đang chờ thời cơ thích hợp. Vì ông tin rằng nếu cứu được Liên Bang và ngăn được chế độ nô lệ lan rộng thì đến một lúc nào đó chế độ nô lệ sẽ tự nhiên lụi tàn. Còn nếu Liên Bang tan rã thì chế độ nô lệ sẽ còn tồn tại nhiều thế kỷ nữa.
Một lí do nữa là tại thời điểm lúc bấy giờ, 4 bang có chế độ nô lệ vẫn nằm trong Liên Bang miền Bắc. Trong tính toán của mình, nếu ông đưa ra Tuyên ngôn giải phóng nô lệ quá sớm sẽ khiến họ đổi phe sang phía Liên minh miền Nam, tiếp sức cho miền Nam – điều có thể huỷ diệt Liên Bang mãi mãi.
Mặc dù chịu nhiều áp lực đến từ nỗi đau mất con, sự thất bại liên tiếp từ cuộc nội chiến cùng với sự đàn áp từ cấp dưới nhưng ông đã luôn:
– Giữ bình tĩnh trong những lúc khủng hoảng.
– Suy nghĩ thấu đáo từng vấn đề bằng cách dành thời gian để phân tích tình hình và đưa ra quyết định sáng suốt.
– Đưa ra những hành động quyết đoán ngay cả trong những lúc khó khăn nhất.
Thêm vào đó, với khả năng tập hợp và lãnh đạo được những người tài giỏi ngay cả khi họ phản đối ông, họ khác ông về quan điểm chính trị, ông đã đoàn kết đất nước và giúp Hoa Kỳ chiến thắng trong cuộc nội chiến.
Một nhà lãnh đạo kiệt xuất của mọi thời đại
Ông là người đã đưa ra Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ vào ngày 1/1/1863 – bản Tuyên ngôn đã đi vào lịch sử, trả tự do cho 3.500.000 nô lệ – một chế độ đã tồn tại trước đó khoảng 250 năm.
Năm 1864, ông tái đắc cử chức Tổng thống.
Năm 1865, với khả năng lãnh đạo của mình, ông đã chấm dứt được cuộc nội chiến, đảm bảo sự thống nhất Liên Bang. Hoa Kỳ được thống nhất thành một quốc gia.
Còn những người cấp dưới của ông, những người đã từng xúc phạm ông phải thốt lên rằng: ông là người lãnh đạo hoàn hảo nhất.
Bởi ông đã luôn bỏ lại phía sau tất cả những quyền lợi cá nhân cũng như cảm giác khó chịu của mình. Ông luôn đáp lại họ bằng những hành động cao đẹp và rộng lượng nhất. Ông luôn đặt mình vào vị trí người khác để xem xét vấn đề. Ông luôn sẵn lòng, kiên nhẫn lắng nghe những phản hồi, kể cả những sự phản đối từ cấp dưới của mình.
Trong thời gian ông làm Tổng thống, thường có những người mẹ, người vợ, người yêu của binh sỹ phạm trọng tội đến xin gặp ông, khóc lóc và van xin ông ân xá cho những người bị kết án tử hình. Dù mòn mỏi đến mức nào, kiệt quệ tới mức nào ông vẫn luôn lắng nghe câu chuyện của họ và thường thì ông đều thực hiện thỉnh cầu của họ.
Ông từng nói rằng: “Khi tôi chết đi, tôi mong mọi người sẽ nhớ về tôi là người nhổ cây gai và trồng cây hoa mỗi khi tôi thấy hoa có thể mọc lại.”.
Ông là một người mà như sử sách ghi lại là: “không tham ác với ai, nhân từ cùng tất cả.”.
Ông đã để lại Di sản lãnh đạo và là một nhà lãnh đạo đích thực.
Sống lâu hơn so với tuổi của mình
Ngày 14/4/1865, ông bị ám sát và qua đời vào ngày 15/4/1865.
Theo những gì mà tác giả Dale Carnergie2 viết về ông thì trong suốt chiều dài lịch sử chưa có một tang lễ nào có nhiều sự thương tiếc như vậy:
– Mọi ngả đường đều đông kín người, hàng trăm phụ nữ và các cựu chiến binh đã ngất đi. Thậm chí có người còn tự rạch đứt cổ tay mình để được chết cùng ông.
– Thành phố đông chưa từng thấy, những đoàn người từ khắp mọi nơi đổ về lấp đầy các khách sạn, tràn vào nhà dân, công viên và các bến tàu.
– Theo sau xe tang là 160.000 người than khóc.
– Nửa triệu người chen lấn xô đẩy để được chứng kiến đoàn đưa tang.
– Những chiếc cửa sổ tầng hai trông ra đường nơi xe tang đi qua được cho thuê với giá 40 đô la. Còn những ô cửa kinh các ngôi nhà được tháo ra để chứa được nhiều cái đầu nhất có thể.
– Những dàn hợp xướng hát Thánh ca ở khắp các góc phố.
– Ban ngày đoàn tàu chở thi thể ông được đi qua dưới những cổng vòm được kết bằng hoa lá. Ban đêm, đoàn tàu được soi rọi bởi vô vàn những ngọn đuốc và pháo sáng kéo dài gần nửa lục địa.
Ông đã sống lâu hơn so với tuổi của mình và trở thành bất tử trong phong cách sống cũng như làm việc.
Ông là Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ – Abraham Lincoln
– Alber J.Beveridge – vị học giả nổi tiếng chuyên nghiên cứu về Lincoln, đã viết trong cuốn tiểu sử bất hủ của ông về Lincoln: “Không chỉ sự thông minh, lòng tốt và học thức của ông khiến người khác ngưỡng mộ. Mà những bộ quần áo khác lạ và sự vụng về của ông cũng khiến ông trở nên gần gũi với mọi người, những chiếc quần ngắn cũn cỡn của ông tạo nên một dấu ấn đặc biệt và làm cho người ta cảm thấy thích thú…”.
– Harriet Beecher Stowne – tác giả cuốn “Túp lều của Bác Tôm” viết: “Abraham Lincoln là người đàn ông tốt nhất mà tôi từng biết”.
Grant – một Chuẩn tướng của Lincoln, người đã góp phần giúp ông mang lại chiến thắng cho Liên Bang, đã viết: “Ông ta thể hiện sự tận tâm và lòng dũng cảm vượt trên mức độ của bất kỳ người nào tôi từng gặp”.
– Winston Churchill – Thủ tướng Anh đã viết: “Lincoln là người lãnh đạo tuyệt vời, người đã đem lại tự do cho hàng triệu người.”
Những lần bạn nghĩ mình đã thất bại là khi nào?
1Từ Tiếng Anh viết là “mile” – một đơn vị đo lường quốc tế, một dặm tương đương với 1,60934 ki -lô-mét.
2Tác giả cuốn sách “Abraham Lincoln Nhà lãnh đạo thế kỷ”.
Tài liệu tham khảo:
Cuốn sách “Abraham Lincoln Nhà lãnh đạo thế kỷ”, tác giả Dale Carnergie.