Tại sao 150 được xem là con số đặc biệt?

Nguồn gốc của con số 150

150 có tên là “Dunbar’s number” – được gọi theo tên của một nhà nhân chủng học người Anh đồng thời là Giáo sư khoa Tâm lý học thực nghiệm tại trường Đại học Oxfordcó tên là Robin Dunbar.

Con số 150 của Dunbar được ông đưa ra vào năm 1990 và được xem như là số lượng mối quan hệ xã hội mà một cá nhân có thể duy trì một cách sâu sắc và ổn định.

Khoảng 70.000 năm trước đây, từ sự xuất hiện của Cách mạng Nhận thức, tổ tiên của loài người – Homo Sapiens (người tinh khôn) sống bằng săn bắt và hái lượm cũng đã hình thành những bầy giới hạn ở dưới hoặc tại ngưỡng 150 người.

Các tài liệu về nhân chủng học được Dunbar xem xét cũng cho kết quả tương tự, như: cộng đồng Walbiri ở Úc, Tauade ở New Guine, Ammassalik ở Greenland, Tierre Del Fuego có số lượng thành viên trung bình là 148,4 người.

Hay như các thổ dân Nam Phi và người Mỹ bản địa cũng sống trong một nhóm khoảng 150 người.

Con số 150 cũng đúng với các tổ chức quân đội như Dunbar nói: “Qua nhiều năm, các nhà hoạch định quân sự đã đi đến một nguyên tắc khống chế quy mô…sau nhiều lần thử nghiệm và sai sót qua bao thế kỷ, đã phát hiện ra rằng sẽ rất nan giải khi củng cố tình thân của một nhóm có số lượng lớn hơn 150 binh sĩ…”.

Lí do con số của Dunbar dừng lại ở khoảng 150 người được làm rõ hơn dựa trên 2 khía cạnh chính:

(1) Thứ nhất là vấn đề về thời gian:

Dunbar đã lập luận rằng để có mối quan hệ xã hội sâu sắc và có ý nghĩa, chúng ta cần dành thời gian và tập trung cho mỗi mối quan hệ.

Khi số lượng mối quan hệ này tăng quá mức, chúng ta sẽ không có đủ thời gian và năng lượng để duy trì chúng cùng lúc.

Do vậy, với các tổ chức hoặc đội nhóm hơn 150 người, hầu hết mọi người khó biết rõ về nhau và thiếu sợi dây gắn kết.

(2) Thứ hai là khả năng bộ não của chúng ta:

Hầu hết chúng ta không thể nhớ hết tất cả mọi người.

Việc lưu giữ thông tin phụ thuộc vào khả năng của từng người. Một số người có thể nhớ được nhiều hơn, số khác lại nhớ được ít hơn.

Đó là lí do quy mô “tự nhiên” tối đa của một nhóm là khoảng 150 người.

 

Tính hiệu quả của con số Dunbar trong lĩnh vực quản lý

Việc tuân thủ con số Dunbar có thể giúp tăng cường tính hiệu quả cho sự gắn kết và tin tưởng lẫn nhau trong một tổ chức.

Bởi khi giới hạn số lượng ở dưới hoặc tại ngưỡng 150 người, sự tương tác giữa các thành viên trở nên chặt chẽ và gắn kết hơn. Điều này đồng nghĩa với việc dễ dàng hơn trong việc phối hợp, trao đổi thông tin và hợp tác làm việc.

Khi mỗi người biết mình đang tương tác với ai, họ có thể tập trung vào cách họ làm việc với nhau một cách tốt nhất. Đây cũng là lí do các nhà lãnh đạo cấp cao tin tưởng và trao quyền cho các nhà lãnh đạo cấp trung.

Trong tổ chức của mình, chắc hẳn bạn cũng thấy rõ được một điều: khi bạn có thể nhận biết được từng thành viên thì trách nhiệm và sự quan tâm của bạn cũng đến được với từng người.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nhận định của Dunbar khi ông cho rằng: một tổ chức có hàng trăm hoặc hàng nghìn nhân viên mà không được phân ra thành các nhóm nhỏ hơn 150 người, thì nhân viên thường có xu hướng có nhiều bạn bè bên ngoài hơn là bên trong tổ chức.

Do vậy, cách duy nhất để quản lý hiệu quả đó là trao quyền cho các cấp quản lý theo hệ thống phân cấp dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Bên cạnh đó, trong nghiên cứu của mình, Dunbar cũng đã chỉ ra khi các nhóm có nhiều hơn 150 người, mọi người thường làm việc ít chăm chỉ hơn và ít có khả năng giúp đỡ lẫn nhau.

Điều này lý giải một khi ngưỡng 150 người bị vượt qua, mọi thứ sẽ không còn hoạt động theo cách mà mọi người có sự tin tưởng, hợp tác và gắn kết mạnh mẽ.

Bạn không thể điều hành một tổ chức có hàng ngàn nhân viên giống như cách bạn quản lý một đội nhóm hoặc một vài phòng ban.

Do vậy, những nhà lãnh đạo thành công trong việc phát triển tổ chức của mình với quy mô lớn hơn là bởi: họ không chỉ tập trung vào hiệu quả chi phí mà họ còn tập trung vào hiệu quả của những mối quan hệ – điều giúp tổ chức của họ luôn kiểm soát được mọi thứ trong phạm vi có thể.

Con số 150 có biến đổi trong thời đại công nghệ số?

Trên thực tế, con số 150 của Dunbar được nhìn nhận như là một ước tính và nó cũng không phải là một quy tắc cứng nhắc. Bởi nó còn tùy thuộc vào cá nhân và môi trường xã hội của mỗi người.

Một số người có thể quản lý được nhiều mối quan hệ hơn hoặc ít hơn.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng trong thời đại công nghệ số thì con số 150 của Dunbar đã không còn phù hợp. Vì chúng ta càng mở rộng khả năng giao tiếp của mình thì càng đạt được hiệu quả cao hơn trong việc duy trì và phát triển các mối quan hệ.

Quan điểm này càng được thể hiện rõ hơn qua việc xem xét số lượng bạn bè, người theo dõi trên các mạng xã hội (Facebook, LinkedIn, Instagram…). Nhưng trước khi đồng tình với quan điểm đó, bạn hãy thử cân nhắc câu trả lời cho câu hỏi sau:

Giả sử bạn có 1000 người bạn trên Facebook.

Bạn có biết tất cả về họ và họ cũng biết tất cả về bạn không?

Bạn đã từng hoặc nghĩ mình có thể liên hệ trực tiếp, quan tâm, chăm sóc được bao nhiêu người trong số họ và ngược lại?

Khi có kết quả, bạn hãy so sánh với con số 150 của Dunbar. Và bạn sẽ thấy đó là lí do vì sao nó được xem là một con số đặc biệt.

 

Bạn có quan điểm nào khác về con số 150 của Dunbar?

 

Nguồn ảnh: sưu tầm.

Hôm nay bạn biết ơn điều gì?

Xuyên suốt cuốn sách “Thế giới trong mắt tôi” của tác giả Đoàn Văn Bình bạn sẽ luôn thấy sự hiện diện của lòng biết

Khai vấn Lãnh đạo

Lãnh Đạo Hiệu Quả